Trinh Quán chi trị Đường Thái Tông

Đối nội

Trái: Chân dung Đường Thái Tông lưu tại Bảo tàng Cung điện Quốc gia. Phải: Tranh tường vẽ Đường Thái Tông (ở giữa) niêm đại 642, tại hang số 220, Đôn Hoàng, Cam Túc.

Đường Cao Tổ qua đời vào mùa xuân năm 635, Sau khi Đường Cao Tổ qua đời, Thái Tông thả ngay 3.000 cung nữ của Cao Tổ, cho về với cha mẹ.[2] Hoàng đế cho giáng chức và cấp bậc của một số quý tộc tôn thất mà cha mình đã phong khi cai trị vì đây là một gánh nặng lớn với nền kinh tế và để thăng chức cho các thân tín của mình. Người chú họ của Thái Tông, Lý Thần Thông cảm thấy bất bình vì phải xếp sau Phòng, Đỗ, tấu lên vua. Hoàng đế giải thích rằng, nhờ mưu kế của 2 người mà mình giành được thiên hạ nên công lao phải đứng đầu, các quan viên bị giáng chức đều im lặng vì ngay cả Lý Thần Thông cũng chung số phận. Trong suốt thời gian ông trị vì, quyền lực của tôn thất cũng bị suy giảm và kìm chế.

Cùng năm 627, La Nghệ, vốn là hàng tướng nhà Tùy, sau lại ủng hộ Lý Kiến Thành, nay sợ nhà vua sẽ đối phó mình liền nổi dậy tạo phản ở Bân Châu nhưng bị Dương Ngập phát giác và bị giết khi đang bỏ trốn. Cuối năm, có tấu rằng Trường Lạc vương Lý Hữu Lượng, em họ Lý Uyên được phong làm Thái thú Lương Châu, chèn ép bách tính và bí mật buôn lậu với người Khương và Hung Nô. Nhà vua cho Vũ Văn Sĩ Cập đến điều tra, Lượng liền bắt Sĩ Cập làm con tin chuẩn bị tạo phản, nhưng Thái Tông phát hiện, đưa quân đến và ép Lượng phải tự sát.

Khi lên ngôi, thấy rằng đất nước có quá nhiều châu huyện, Thái Tông ra lệnh sáp nhập một số châu huyện lại với nhau, lại lập ra một đơn vị hành chính mới lớn hơn cấp châu là cấp "đạo", ông chia đất nước thành 10 đạo.

Đường Thái Tông là vị vua giỏi việc cai trị quốc gia. Tùy Dạng Đế sau khi giành được ngôi hoàng đế vội vàng ăn chơi xa xi vô độ, kết quả biến nhà Tùy từ một đế quốc giàu có bậc nhất thành một vương triều đoản mệnh. Lý Thế Dân không lặp lại sai lầm đó, ông có nói: "Lấy sử làm gương soi thì biết sự hưng suy. Lấy người làm gương soi thì biết sự được mất". Ông thực hành một loạt chính sách giảm nhẹ sưu thuế, thúc đẩy sản xuất. Thái Tông cho ban hành chế độ quân điền và tô dung điều chế để đánh thuế và chia ruộng đất Ông nói:

Muốn làm vua được tốt, cần trước tiên để trăm họ sống nổi. Nếu vì mình mà làm tổn hại đến trăm họ, giống như cắt thịt đùi ăn vào bụng, bụng no thì người cũng chết.

Năm Trinh Quán thứ 1, Lý Thế Dân muốn xây dựng một cung điện, nguyên liệu đã chuẩn bị xong, nhưng vừa nhớ đến phải "giảm sự xa xỉ, tiết kiệm chi tiêu", ông quyết định không xây nữa. Tháng 8 năm Trinh Quán thứ 2, quần thần 3 lần kiến nghị xây lầu gác ở trên cao để cải thiện ẩm thấp trong cung điện, nhưng Lý Thế Dân kiên quyết không đồng ý. Năm Trinh Quán thứ 4. ông nói với các đại thần: "Việc trang hoàng lộng lẫy cung điện, tham luyến cảnh đẹp, vui chơi trong lầu gác đình đài, tuy là nguyện vọng của mỗi vị vua nhưng sự xa xỉ hoang phí là mối họa cho dân chúng, vì vậy không thể tùy tiện xây dựng". Việc vua và quan phủ giảm bớt sự xa xỉ, dân chúng thì tăng thời gian lao động của mình trên đồng ruộng khiến sức sản xuất tự nhiên phát triển.

Sau khi đánh thắng Đông Đột Quyết, triều thần đều tấu lên xin vua làm lễ tế trời ở Thái Sơn, thể hiện uy nghiêm và sự thịnh vượng của Nhà Đường. Chỉ có Ngụy Trưng không đồng ý, cho rằng lễ nghi sẽ làm hao tốn nhiều sức người và tiền tài và biên giới sẽ dễ bị tấn công. Thái Tông nghe theo lời Ngụy Trưng, chỉ tổ chức một tiệc nhỏ cho các đại thần.

Đầu đời Trinh Quán, các địa phương ở Quan Trung liên tục 3 năm xảy ra tai nạn, Thái Tông hạ lệnh mở kho phát chẩn cho dân. Kết quả, sau nạn đói, mọi nhà vẫn còn lương ăn. Thái Tông còn hạ lệnh lấy vàng bạc, vải lụa trong kho của hoàng gia chuộc những nạn dân phải bán mình làm nô tì.

Đường Thái Tông chú ý cất nhắc nhân tài. Một lần ông phát hiện có một viên quan trình lên một bản sớ tấu viết rất hay, hỏi ra mới biết do một người không có bất kỳ chức vị gì tên Mã Chu viết, Thái Tông lập tức chọn ông ta làm quan, thăng thẳng lên đến Tể tướng. Đường Thái Tông biết Tể Tướng Phong Đức Di vì không tìm được nhân tài mà suốt ngày buồn rầu than thở, liền nói với ông ta:

Dùng người như sử dụng đồ vật, mỗi người chọn lấy sở trường của họ, thì đâu có thiếu nhân tài kỳ sĩ. Lẽ nào thời thịnh trị ngày xưa lại phải mượn lấy nhân tài ở một thời đại khác? Đó chẳng qua là khanh không khéo biết người đó thôi.

Thái Tông có một câu nói nổi tiếng: "Anh hùng trong thiên hạ đều nằm trong lòng bàn tay Trẫm".

Các cải cách của Thái Tông về tổ chức hành chánh tỉnh đáng coi là quan trọng và lâu bền nhất. Nhà Tần đặt ở đầu mỗi quận một quan văn coi về hành chánh và một quan võ coi về võ bị, quyền ngang nhau. Nhà Hán bỏ chế độ đó, chỉ dùng quan văn. Nhưng sau đời Hán, loạn lạc liên miên, sự cai trị các quận giao cho quan võ do bọn vương hầu cử. Thái Tông loại dần dần các quan võ đó, mà đích thân lựa những người có học, có đức hạnh tốt thay vào. Chế độ tuyển cử đó có vào đời Tùy, nhưng tổ chức còn sơ sài. Thái Tông theo Tùy, đặt ra khoa tiến sĩ trọng văn từ, khoa minh kinh trọng sự tinh thông một kinh. Lễ bộ coi việc khảo thí; người nào đậu rồi, muốn làm quan thì phải thi lại ở bộ Lại, có đậu mới được bổ dụng. Các kì thi tổ chức rất nghiêm và rất công bằng. Thí sinh mà gian lận thì bị trừng trị nặng, giám khảo mà gian lận thì bị cách chức.

Chính sách dùng thi cử để lựa người cai trị dân lúc đó là tiến bộ nhất đương thời. Nó làm cho quyền hành của giới quý tộc bị cha truyền con nối bị thay thế bằng quyền hành của giới bình dân nhưng có tài năng, trí tuệ.[2]

Đường Thái Tông rất thích câu nói cảnh giới của đại thần Ngụy Trưng: "Nghe rộng thì sáng, nghe thiên lệch thì tối", cho nên khi cùng tể tướng bàn việc đều gọi gián quan tham gia; đối với người dám chỉ ra sai lầm của vua, có khi còn đặc cách khen thưởng. Ông từng nói với quan viên 3 tỉnh (cơ quan nhà nước cấp cao):

Theo chỉ ý của ta mà làm, không có một câu ý kiến bất đồng thì làm thế nào được? Từ nay về sau, nếu có chiếu sắc không thích hợp, cần chỉ ra, không được biết mà không nói.

Năm 634, Thái Tông sai 13 vị quan chức cấp cao bao gồm Lý Tĩnh và Tiêu Vũ đi khảo sát các đạo, kiểm tra xem liệu quan viên có đủ năng lực, nhân dân có bị đói rét không, an ủi giúp đỡ người nghèo và tìm nhân tài để đưa vào triều đình. Lý Tĩnh ban đầu đề cử Ngụy Trưng đi thay mình nhưng Thái Tông từ chối, nói rằng Ngụy Trưng phải ở lại bên người để chỉ ra lỗi lầm của mình và nhà vua không thể thiếu Ngụy Trưng một ngày nào. Khi Ngụy Trưng qua đời, vua đích thân lập bia mộ cho, lại hứa sẽ gả con gái cho con Ngụy Trưng, tuy nhiên sau đó vì nghi ngờ Ngụy Trưng có dính líu đến án thái tử và vì sự uất ức bao năm bị Ngụy Trưng vạch lỗi, vua đã sai Uất Trì Cung đập đi bia mộ của Ngụy Trưng.

Về quân đội, Thái Tông cho áp dụng phủ binh chế, rút các tráng đinh nam cho vào phủ binh là trưng binh chế. Phủ binh chế là sự kết hợp giữa binh sĩ và nông dân để giảm gánh nặng cho quốc gia. Lúc thái bình thì cày cấy, lúc chiến tranh thì ra trận, quân không biết tướng, tướng không biết quân, đánh trận xong thì quân về phủ, tướng về triều. Quân sĩ được miễn thuế má nhưng khẩu phần lương thực và binh khí phải tự chuẩn bị. Thời Thái Tông triều đình trực tiếp quản lý quân đội, nhưng về sau triều đình cho lập chức tiết độ sứ thay mặt cai quản quân đội, cuối cùng tạo thành họa phiên trấn dẫn đến diệt vong Nhà Đường.

Ở thời kỳ đầu Trinh Quán, Đường Thái Tông đúng là giỏi việc cai trị, nhưng cuối đời ông lại sống theo cách xa hoa, xây dựng ngày một nhiều. Đối với lời can gián, có khi cũng không chịu nghe. Về điểm này, ông cũng có nhận ra. Trước khi chết một năm, ông nói với Thái tử Lý Trị:

Một đời mình tuy công lớn hơn lầm lỗi, nhưng "nếu đem so sánh với tận thiện tận mỹ thì còn rất đáng hổ thẹn.

Theo truyền thuyết, nhà sư Đường Huyền Trang (Đường Tăng) đi Tây Thiên lấy kinh được ông kết làm huynh đệ.

Về già, nhớ đến các công thần cùng mình vào sinh ra tử lập nên Nhà Đường, Thái Tông hạ lệnh xây Lăng Yên Các, cho người vẽ hình và ghi lại sự tích của 24 vị công thần để được đời sau thờ phụng.

Đối ngoại

Với Đông Đột Quyết

Năm 626, chỉ sau khi Lý Thế Dân lên ngôi được 12 ngày, một dân tộc lớn mạnh ở phương Bắc là Đông Đột Quyết do Hiệt Lợi (Illig Qaghan: 620 - 630) lãnh đạo đã phát binh xuống phía Nam, đánh đến phía bắc Tiện Kiều, sông Vị Thủy, cách Trường An 40 dặm. Để chứng tỏ thực lực của triều Đường, Thái Tông đích thân dẫn các vị đại thần, phóng ngựa ra bờ sông Vị Thủy trách mắng Đột Quyết đã làm trái những điều thỏa thuận, buộc Đột Quyết lại phải cam kết liên minh lần nữa và lui binh.

Năm 629, Hiệt Lợi lại cho quân cướp phá biên giới, như vậy là xé minh ước. Thái Tông cho rằng đây là thời điểm chín muồi để tấn công Đông Đột Quyết, đã sai Lý Tĩnh, Lý Thế Tích và Sài Thiệu đem hơn 10 vạn đại quân Bắc phạt đánh Đột Quyết. Quân Đường chia làm nhiều hướng tấn công, Hiệt Lợi liệu đánh không lại liền bỏ chạy. Năm sau, quân Đường đánh lớn làm thảm bại Đột Quyết, giết 10 vạn lính Đột Quyết, bắt được trai gái 15 vạn người, bắt cả Khả hãn Hiệt Lợi. Đông Đột Quyết mất, Nhà Đường mở rộng lãnh thổ về phía tây bắc. Từ đó trở đi, Đường Thái Tông được Đột Quyết tôn làm Thiên Khả hãn. Tuy nhiên, trong thời Thái Tông và các đời vua sau, biên giới Nhà Đường vẫn phải chịu các cuộc tấn công nhỏ của Tây Đột Quyết.

Việc đối xử thế nào với Đông Đột Quyết sau khi bị chinh phục là 1 vấn đề hóc búa với Thái Tông. Ý kiến của Ngụy Trưng là để mặc người Đột Quyết ngoài biên giới, nhưng Thái Tông sau đó đã hạ lệnh đem người Đột Quyết vào trong biên giới để tạo thành một vành đai phòng thủ, thiết lập một số châu quận mới để chứa người Đột Quyết, tiếp tục cho các thủ lĩnh Đột Quyết quản lý người của họ nhưng không lập Khả hãn mới.

Với Thổ Cốc Hồn

Thổ Cốc Hồn cũng thường cướp phá biên giới gần miền ngọn sông Hoàng Hà, ở Cam TúcLương Châu. Quân Đường thường chống trả kịch liệt, nhưng khi ra khỏi thành giao chiến thì quân Thổ Cốc Hồn lại rút lui, quân Đường rút thì quân Thổ Cốc Hồn lại quay lại cướp phá. Năm 634, Thế Dân lại sai Lý Tĩnh đi dẹp. Lý Tĩnh chia quân làm 2 đạo, một đạo chính Lý chỉ huy, tiến lên phía bắc, một đạo do Hầu Quân Tập chỉ huy tiến theo dãy núi Côn Lôn ở phía Nam. Đạo phía Bắc phá tan quân Thổ Cốc Hồn ở dãy núi Kokongr; đạo phía Nam đã làm được một kì công: leo dãy núi Côn Lôn rất cao, tuyết phủ quanh năm, người và ngựa đều phải ăn băng và tuyết. Họ thình lình tập kích quân Thổ Cốc Hồn trên bờ một hồ nước tại ngọn sông Hoàng Hà. Quân Thổ Cốc Hồn hoảng hốt bỏ chạy; quân Đường đuổi theo. Tới Thanh Hải, Thổ Cốc Hồn bị quân Lý Tĩnh đón đầu và tận diệt. Khả hãn Thổ Cốc Hồn là Bộ Tát Bát Khả hãn (597 - 640) bị một tướng làm phản giết. Một Khả hãn khác là Mộ Dung Thuận lên thay (Truật Cố Lã Ô Cam Đậu khả hãn), chịu thuần phục Nhà Đường. Vị Khả hãn này không lâu sau bị ám sát chết, Thái Tông đưa con ông ta là Mộ Dung Nặc Hạt Bát lên thay làm Khả hãn, tiếp tục thần phục Nhà Đường.

Với Tây Đột Quyết

Bản đồ mô tả chiến dịch bình định Tây vực của Đường Thái Tông.

Đường Thái Tông phát động một số chiến dịch đánh Tây Đột Quyết và đồng minh là các quốc gia ốc đảo ở lòng chảo Tarim vào khoảng năm 640 - thời vua Tây Đột Quyết là Ishbara Qaghan: 634 - 658. Những cuộc chiến kiểu này còn tiếp diễn giữa Nhà Đường và Tây Đột Quyết cho đến khi Tây Đột Quyết bị đánh bại và chinh phục vào năm 657 dưới thời Đường Cao Tông. Các quốc gia ốc đảo KashgarKhotan đầu hàng Nhà Đường vào năm 632 và vương quốc Yarkand đầu hàng vào năm 635.

Vương quốc Cao Xương lúc đầu vốn là chư hầu Nhà Đường, nhưng về sau lại trở nên ngày càng thù địch Nhà Đường, lập liên minh với Tây Đột Quyết. Năm 640, Thái Tông sai Hầu Quân Tập đem quân đánh Cao Xương. Vua Cao Xương là Khúc Văn Thái (619 - 640) nghe tin sợ quá mà chết, con trai là Khúc Trí Thịnh lên thay, đưa ra mong ước được thần phục Nhà Đường nhưng Hầu Quân Tập không chịu, ép Cao Xương phải đầu hàng. Quân Cao Xương lúc đầu cố gắng thủ thành nhưng bị Hầu Quân Tập chặn hết đường lương thảo, lại không được Tây Đột Quyết đến giúp nên vua Cao Xương phải ra thành đầu hàng. Ngụy Trưng tấu nên giữ nguyên hiện trạng Cao Xương, cho phép vua Cao Xương tiếp tục thống trị vì cho rằng tổn thất nhân lực và vật lực khi đồn trú quân đội vĩnh viễn ở Cao Xương là rất lớn. Thái Tông không đồng ý, cho thiết lập 2 huyện và sáp nhập Cao Xương vào bản đồ.

Nước Yên Kì, vốn là đồng minh Nhà Đường tham gia trong cuộc chiến chống Cao Xương, nay lại quay sang chống Đường và liên minh với Tây Đột Quyết. Năm 644, Thái Tông sai người đem quân đi đánh. Quân Đường tập kích bất ngờ, đánh cho quân Yên Kì tan tác, bắt sống được vua Yên Kì. Thái Tông sau đó đưa người em khác của vua Yên Kì lên thay làm nhiếp chính. Tây Đột Quyết sau đó tấn công, bắt sống được nhiếp chính mới và chiếm được Yên Kì trong thời gian ngắn, tuy nhiên do không muốn xung đột trực tiếp với Nhà Đường nên đã rút lui. Các quý tộc Yên Kì lập 1 người họ hàng của vua Yên Kì lên làm vua.

Năm 648, Thái Tông sai người đem quân đi đánh Quy Từ, nhưng nửa đường đổi hướng đánh Yên Kì, bắt và giết vua Yên Kì rồi đưa em họ ông ta lên làm vua. Sau đó quân Đường đánh thẳng đến Quy Từ, bắt được và giết vua nước này và đưa người em trai của vua Quy Từ lên làm vua.

Với người Hồi giáo

Nhà tiên tri Muhammad (570 - 632), người sáng lập đạo HồiẢ Rập đã viết thư cho ba đại đế thế giới thời bấy giờ là hoàng đế Đông La Mã Heraclius, hoàng đế Ba Tư Khosrau II và Đường Thái Tông, buộc họ phải chấp nhận đạo Hồi, nếu không thì sẽ bị trừng trị. Nhận được thư, Đường Thái Tông cho người Ả RậpTrung Hoa được xây thánh đường đầu tiên của họ ở phía Đông.[2]

Với Thổ Phiên

Mùa thu năm 638, vua Thổ PhiênTùng Tán Cán Bố, bất bình trước việc Thái Tông không chịu gả công chúa cho mình và tức giận vì cho rằng Khả hãn Thổ Cốc Hồn đã ngăn trở việc này, đem 20 vạn quân đánh Thổ Cốc Hồn và vây hãm một số châu huyện Nhà Đường. Thái Tông sai Hầu Quân Tập đem 5 vạn đại quân đến cứu.

Hầu Quân Tập ra quân mau lẹ, đánh thẳng vào quân Thổ Phiên, suýt bắt sống vua Thổ Phiên còn quân Thổ Phiên thua chạy tán loạn. Tùng Tán Cán Bố buộc phải lui quân, lập ra hòa ước với Nhà Đường nhưng vẫn muốn cưới công chúa. Đường Thái Tông đồng ý, đem Văn Thành công chúa gả cho vua Thổ Phiên.

Với Cao Câu Ly

Nhà Tuỳ từng tấn công Cao Câu Ly vào 598, 612, 613 & 614 nhưng đều thất bại. Bản đồ trên mô tả các mũi tấn công của quân Đường năm 645. Nhà Đường còn thực hiện các cuộc viễn chinh khác vào năm 661, 667 & 668 trước khi bình định hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Thời nhà Tùy, Tùy Dạng Đế đã đem tới 130 vạn quân, chia làm 4 đợt tấn công Cao Câu Ly nhưng đại bại. Cuối thời Đường Thái Tông, nước Cao Câu Ly có loạn: một vị đại thần là Tuyền Cái Tô Văn giết vua Cao Vũ (618-642) rồi lập Cao Tạng (642-668) tiếm ngôi, và đem quân đánh một nước nhỏ là Tân La, khiến nữ hoàng Tân La là Thiện Đức (632 - 647) phải cầu cứu Nhà Đường.

Năm 645, Thái Tông thân chinh đem 20 vạn quân từ Lạc Dương đi đánh Cao Câu Ly. Ông dùng cả hải quânlục quân; một đạo vượt biển vào gần vàm sông Áp Lục, một đạo vòng vòng lên phía bắc theo đường bộ, đánh Liêu Dương. Quân Đường thắng được nhiều trận lớn, rồi vây thành Ansi (An Thị) ở bán đảo Liêu Đông. Sau 63 ngày, 5.000 quân Cao Câu Ly vẫn kiên trì phòng thủ, quân Đường không hạ nổi thành, phải rút lui về.[2] Theo các pho chính sử, danh tính vị mãnh tướng Cao Câu Ly trấn giữ nơi đây đã hoàn toàn bị thất lạc. Tuy nhiên, ít nhất có hai tài liệu Triều Tiên gọi tên "Yang Man Chun" (Dương Vạn Xuân) là thành chủ Ansi, đó là cuốn "Đồng xuân đường tiên sinh biệt tập" của Song Jun Gil, biên soạn năm 1768; và "Nhiệt hà nhật ký" của Park Ji Won. Thời gian trôi qua, cái tên thành chủ Yang Man Chun dần được dân gian chấp nhận rồi lưu truyền rộng rãi.

Thái Tông sau khi chứng kiến thành trì kiên cố và quân Cao Câu Ly dũng cảm liều chết, đã than rằng: "Ngụy Trưng' mà còn sống thì hẳn đã cản trẫm thân chinh lần này". Khi về nước, nhà vua sai người dựng lại bia mộ cho Ngụy Trưng, lại cho người chu cấp cho vợ con Ngụy Trưng. Bản thân nhà vua mắc phải căn bệnh lạ, một căn bệnh mà nhà vua không bao giờ chữa khỏi.

Cuộc chiến này không đạt mục đích trừng trị loạn thần tiếm ngôi mặc dù chiếm được Liêu Dương và nhiều thành khác, bắt 7 vạn người Cao Câu Ly làm nô lệ. Theo lệ, 7 vạn nô lệ đó sẽ được chia cho tướng sĩ, nhưng nhà vua không nỡ, thấy họ khóc lóc thảm thiết vì cha con vợ chồng phải chia ly, nên bỏ tiền ra chuộc họ và cho họ định cư ở Trung Quốc, kiếm việc làm ăn.[2] Thái Tông sau đó đã cho nối lại quan hệ với Cao Câu Ly.

Năm 647, Thái Tông lại cắt đứt quan hệ với Cao Câu Ly và chuẩn bị thêm 1 cuộc viễn chinh nữa. Lần này Thái Tông nghe lời khuyên của một số đại thần, phát động các chiến dịch quấy rối trước nhắm vào vùng biên giới phía bắc Cao Câu Ly nhằm suy yếu dần Cao Câu Ly. Những người thực hiện các chiến dịch này là Ngưu Tiến Đạt và Lý Thế Tích, và các cuộc tấn công này còn tái diễn. Tất cả những điều này nhằm chuẩn bị cho cuộc viễn chinh với 30 vạn đại quân với Thái Tông muốn thân chinh lần 2 vào năm 649, nhưng Thái Tông mất cùng năm làm chiến dịch phải hoãn lại và chuyển sang đời Cao Tông.

Với Tiết Diên Đà

Sau chiến dịch Cao Câu Ly, Khả hãn Tiết Diên Đà Bạc Chước phát động tấn công một số châu huyện Nhà Đường nhưng quân Đường chống trả quyết liệt nên vẫn bất phân thắng bại. Năm 646, Thái Tông sai tướng đi đánh bại được Khả hãn Tiết Diên Đà là Bạc Chước (645 - 646), buộc ông ta phải bỏ chạy. Chư hầu Tiết Diên Đà là Hồi Cốt cũng nổi dậy chống lại Tiết DIên Đà. Nắm lấy cơ hội này, Thái Tông phát động tổng tấn công đánh Tiết Diên Đà, cho Lý Đạo Tông làm đại tướng. Bị tấn công từ nhiều phía, Khả hãn Tiết Diên Đà bị quân Hồi Cốt giết chết, những người còn sót lại chạy đến chỗ người em họ của Khả hãn Tiết Diên Đà và tôn ông ta lên làm Khả Hãn nhưng thể hiện mong muốn thần phục Nhà Đường.

Thái Tông sai Lý Thế Tích đến chỗ Khả hãn Tiết Diên Đà mới là Đốt Ma Chi, với lệnh hoặc chấp nhận thần phục hoặc tiêu diệt ông ta. Khả hãn Tiết Diên Đà chịu hàng và bị đưa về Trường An, Tiết Diên Đà bị tiêu diệt. Các bộ tộc chung quanh cùng tôn vua Đường làm Thiên Khả hãn và cùng gửi sứ đến thể hiện thần phục Nhà Đường. Nhà Đường trên danh nghĩa thiết lập 7 đồn đóng quân và 6 huyện trên lãnh thổ Tiết Diên Đà. Hồi Cốt Khả hãn ngoài mặt thần phục Nhà Đường nhưng luôn muốn đánh chiếm vùng đất này. Tuy nhiên ông ta bị ám sát năm 648, và người Hồi Cốt không có âm mưu có tổ chức nào vào vùng đất này cho đến khoảng 1 thế kỷ sau.